Khoảnh khắc đó chính là khoảnh khắc thay đổi cuộc đời, chuyển hướng đột ngột biến tôi từ một đứa trẻ long nhong vừa qua tuổi 19, chỉ giỏi chút tiếng Anh và hay đi dịch dạo kiếm chút tiền giúp mẹ thành một người bắt đầu có ý thức xã hội, bắt đầu học cách áp dụng kiến thức lâu nay đọc được từ sách vở vào phân tích các sự việc xung quanh.
Ông Phạm Tuấn Anh phiên dịch cho bà Charlene Barshefsky, đại diện thương mại Hoa Kỳ, tại Hội đàm giữa Bộ Thương mại và Đoàn thương mại Hoa Kỳ, năm 2000.
Trong vai trò phiên dịch viên hợp đồng của Phòng Liên lạc Hoa Kỳ, tôi được đi cùng bác Đại biện tới gặp nhiều lãnh đạo Việt Nam từ trung ương đến địa phương. Qua công việc, tôi cũng được gặp những người ở cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ giờ đã thành các nhân vật nổi tiếng, ví dụ Đại sứ Mỹ Ted Osius của Mỹ hay Đại sứ Vũ Quang Minh của Việt Nam. Những người anh này lúc đó mới chỉ là những cán bộ ngoại giao trẻ tuổi.
Trong gần hai năm sau đó cho tới lúc bác Desaix rời Hà Nội (5/1997), tôi may mắn được đi với bác nhiều nơi, gặp nhiều người, nói nhiều chuyện thời đó được coi là thâm cung bí sử. Bác Desaix đã dạy cho tôi những bài học đầu tiên về ngoại giao, chính trị, đưa tôi thành một người tin vào tự do, bình đẳng, bác ái, về cống hiến cho sự nghiệp chung.
Hai năm làm việc với bác mới chính là hai năm đại học thực sự của tôi. Ở tuổi 19, lúc người ta còn đang là đứa trẻ ranh, tôi được tin cậy thay mặt bác nói những lời tình cảm chân thành bằng tiếng Việt với các vị lãnh đạo Việt Nam.
Tôi dù trước đó đọc nhiều nhưng chưa tranh luận, viết lách để ý kiến được thử thách trong phản biện nên lời lẽ giọng điệu chắc vẫn là của “trẻ trâu hung hăng”. Hai bác cháu đã có những tranh luận rất nóng về chiến tranh Việt Nam, về bầu cử Campuchia, về biển Đông và tam giác quan hệ Mỹ – Trung – Việt, hay về quan hệ Liên Triều.
Bác Desaix không bao giờ mất kiên nhẫn với tôi, liên tục uốn nắn, chỉ bảo, giải thích. Về sau này, càng lớn tôi càng biết mình từng cãi dốt thế nào. Bác Desaix đã từng là Phó Trợ lý Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách Đông Dương rồi Đông Á, Phó Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản…
Bác Desaix là người thầy, người bạn, người đỡ đầu trung thành, trung thực, bao dung, chân thành, và là một người theo đảng Dân chủ. Tôi được học những năm tháng đầu đời với người thầy đó thì tất nhiên không thể đi con đường nào khác. Nhờ có Desaix, tôi mới có Princeton, nhờ có Princeton mới có Cairo, Beirut, Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, IMF, WB, mới có vợ rồi hai con trai, rồi mới có Obama và Biden, mới có phòng Bầu Dục và những buổi làm việc kỳ thú ở Nhà Trắng.
Bác Desaix qua đời năm 2021 để lại trong lòng tôi niềm thương tiếc khôn nguôi.
Cựu Đại biện Hoa Kỳ tại Việt Nam (1995-1997) Desaix Anderson (bên phải) cùng ông bà George Bush Cha
Có được mối quan hệ với ngài Đại biện Hoa Kỳ tại Việt Nam, hẳn con đường đi học cao học của ông tại Mỹ không quá khó khăn?
– Bác Desaix là một cựu sinh viên Đại học Princeton và khi quay lại Mỹ, bác đã được mời dạy một khóa học thường niên cho sinh viên đại học Princeton về Việt Nam và Đông Á. Ở Hà Nội lúc đó có một người bạn Việt kiều khác là anh Lý Trần làm việc ở Citibank cũng là một cựu sinh viên Princeton. Hai người đó thương quý tôi và anh Lý thường xuyên thúc giục tôi nộp đơn đi học cao học ở Princeton.
Trong chuyến đi đầu tiên của tôi rời Việt Nam sang Hoa Kỳ vào mùa hè năm 1997, anh Lý đã giới thiệu và tôi may mắn được tới thăm trường Princeton rồi được gặp Giám đốc Tuyển sinh của trường hành chính công và ngoại giao mang tên Woodrow Wilson (WWS) thuộc Princeton là ông John Templeton.
Ông John đã đưa tôi đi tham quan trường và cho tôi tham gia một buổi thảo luận của các sinh viên chương trình mùa hè. Chuyến thăm này gây ấn tượng với tôi tới mức mà mùa thu năm đó tôi quyết định chỉ nộp đơn duy nhất xin học chương trình MPA (Thạc sĩ về Hành chính Công) của trường WWS.